Sài Sơn đồng loạt ra quân xử lý 11 hộ vi phạm đất đai
Trong số 11 trường hợp bị cưỡng chế, có 5 công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng; 5 trường hợp là các công trình lấn chiếm đất công, 1 trường hợp vi phạm luật đê điều. Lỗi vi phạm chủ yếu dưới hình thức quây tôn, xây tường bao, dựng mái che kiên cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch và ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường khu vực.
Trước khi tổ chức cưỡng chế, cấp ủy chính quyền xã đã ban hành thông báo, tổ chức đối thoại và vận động người dân khắc phục sai phạm. Một số hộ dân tự tháo dỡ một phần công trình, tuy nhiên không đầy đủ và đúng cam kết.
Tại buổi cưỡng chế trước sự chứng kiến của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, đại diện các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của huyện, của xã, đại diện người dân, lãnh đạo xã Sài Sơn đã thông qua quyết định cưỡng chế đối với các hộ tại vị trí thực địa. Trình tự, thủ tục của buổi cưỡng chế đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình cưỡng chế, mọi hoạt động đều diễn ra đúng quy trình, quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhanh gọn, không xảy ra tình huống phức tạp được dư luận nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Sau đợt cao điểm này, xã Sài Sơn sẽ tiếp tục duy trì kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay từ đầu các vi phạm mới phát sinh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, để công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đi vào nền nếp, bền vững.”
Ngay từ sáng sớm, đồng chí Phạm Quang Tuấn- UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, kiểm tra và giám sát toàn bộ quá trình cưỡng chế của xã Sài Sơn. Đồng chí nhấn mạnh: Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng phải được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và không có ngoại lệ. Việc xử lý vi phạm Luật đất đai, bắt buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hộ dân vi phạm trên địa bàn xã là biện pháp nhằm lập lại trật tự, kỷ cương và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, cũng là biện pháp răn đe, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của công dân, thực hiện công bằng xã hội để mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Đồng chí yêu cầu xã Sài Sơn cần kiên quyết xử lý vi phạm 11 trường hợp xong trong ngày 9/5; đồng thời đẩy tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện vi phạm từ sớm, từ xa, không để tình trạng ‘phát hiện muộn, xử lý chậm’ gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh việc xử lý vi phạm, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu, đồng thuận và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng….
Với cách làm bài bản, công khai, minh bạch và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đợt cưỡng chế tại Sài Sơn không chỉ là hành động xử lý vi phạm cụ thể, mà còn là thông điệp rõ ràng về việc không có vùng cấm trong quản lý đất đai, xây dựng. Đó cũng là tiền đề quan trọng để Sài Sơn từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.